Chùa Nổ – Ngôi Chùa Linh Thiêng Tại Địa Phận Xã Quảng Ngọc
Chùa Nổ (còn gọi là chùa Đại Phúc) là một ngôi chùa tọa lạc tại thôn Uy Nam, xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương. Tên gọi “chùa Nổ” xuất phát từ tên địa danh xưa. Mặc dù không có tài liệu cụ thể nào để xác định niên đại của chùa, nhưng từ Bản sơ đồ mộ cụ tổ họ Lê và thông qua thượng lương ghi năm trùng tu chùa, có thể khẳng định chùa Nổ đã có quy mô tương đối đầy đủ các công trình phục vụ các nghi lễ tôn giáo và nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của người dân bản địa từ những năm đầu thế kỷ XX.
Vào năm 2008, với nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân cùng với sự phát tâm công đức của con em xã Quảng Ngọc đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, đã đóng góp đầu tư tôn tạo lại chùa Nổ trên nền móng cũ theo thiết kế đã được UBND huyện Quảng Xương phê duyệt, theo công văn số 51/DTTH ngày 10/4/2008. Vào ngày 14/4/2012, chùa Nổ đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh và công bố Quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Tâm Hiền làm trụ trì chùa và cắt băng khánh thành chùa Nổ tại làng Uy Nam.
Quy mô kiến trúc của Chùa Nổ (Đại Phúc Tự)
- Cổng chùa: được xây dựng theo lối Tam quan hai tầng mái, gồm một cổng chính và hai cổng phụ. Cổng chính có hệ thống cửa gỗ bốn cánh, hai cổng phụ là cửa gỗ hai cánh.
- Chính điện: được kiến trúc theo lối chữ Đinh (J), chia làm 2 phần: Tiền đường và Hậu cung. Tiền đường dài khoảng 20m, rộng khoảng 8m, gồm 5 gian 2 dĩ (mái diêm), được phân cách nhau bởi 4 hàng cột gỗ lớn. Hậu cung được nối liền với 3 gian giữa của Tiền đường và được kết cấu 3 gian theo chiều dọc.
- Bức Đại tự chữ Hán: trong Chính điện chùa Nổ có các bức Đại tự chữ Hán ca ngợi vai trò, địa vị của Phật như Thiên nhân sư, Thánh trưng vương, Phật sở trụ, Lợi quần sinh, Lạc giới siêu sinh và Tịnh thổ thoát hóa.
- Nhà Tổ: công trình nằm phía sau chùa chính được bài trí thờ theo lối thờ truyền thống của Phật giáo Bắc tông, bao gồm ban thờ Bồ Đề sư tổ trên cùng, ban thờ các vị Tổ khai sáng của chùa ở bên dưới và nơi dâng lễ ở dưới cùng.
- Di vật cũ: chùa còn giữ lại vài di vật cũ, hữu ích trong việc tìm hiểu về lịch sử di tích cũng như giá trị mỹ thuật trong một giai đoạn nhất định trong lịch sử phát triển mỹ thuật nước nhà.
Lịch sử trùng tu của Chùa Nổ – Đại Phúc Tự
Chùa Nổ mới được thiết kế với các hạng mục chính, sử dụng vật liệu kiến trúc hiện đại và hệ thống tượng pháp, pháp khí mới nhưng vẫn đảm bảo về mặt thẩm mỹ và có giá trị nghệ thuật đương đại sâu sắc. Trong tương lai, với sự nỗ lực của Trụ trì Đại đức Thích Tâm Hiền và Đương cơ Thích Nguyên Hồi, dự án mở rộng khuôn viên chùa sẽ được tiếp tục thực hiện, bao gồm các công trình kiến trúc và khu tâm linh khác như Tháp 13 tầng, Nhà Tổ 7 gian, Nhà Tứ ân, Nhà Mẫu, Giảng đường và Đại Phật điện.
Nằm trong không gian cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của một vùng quê yên bình, Chùa Nổ đã đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm – tinh thần của tín đồ Phật tử gần xa. Đây là một di tích có giá trị ở nhiều mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực tâm linh và tín ngưỡng.